Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Ăn ốc - Saigon chiều mưa

Sài Gòn vào những ngày mưa thưởng thức 1 dĩa ốc tự tay mình làm thì còn gì tuyệt vời hơn. Đặc biệt là những món ốc được chế biến với hương vị cay cay của sa tế, của ớt khi ăn vào tạo cho người ăn cảm giác ấm áp giữa trời mưa Saigon.


Nguyên liệu:

Ốc vặn, ốc đá hoặc ốc mít 1 kg

Nước mắm 2 thìa

Đường 1 thìa

½ thìa bột ngọt

2 thìa dầu ăn

3 cây sả tươi, bào mỏng

1 củ gừng rửa sạch băm nhỏ

5 quả ớt tươi băm nhỏ hoặc ớt bột

Cách làm:

Ốc ngâm nước có ớt cho nhả sạch bùn và nhớt. Xát rửa ốc cho sạch.

Đun nóng dầu ăn, cho ít gừng, ớt và sả vào phi thơm. Cho ốc vào đảo nhanh tay, nêm các loại gia vị nước mắm, đường, ớt, bột ngọt, nêm nếm cho vừa ăn. Để lửa to xào ốc gần chín thì cho nốt chỗ gừng, sả bào vào. Ốc chín tắt bếp.

Cho ốc ra đĩa, ăn nóng, ốc thơm lừng mùi sả, cay cay vị ớt vị gừng, thật miễn chê.

Mách nhỏ:

Bạn đừng xào lâu quá nhé ốc sẽ bị dai đấy

Chế biến ốc mỡ xào me - Saigon

Giữa thành phố tấp nập như Saigon hiện nay, thật dễ dàng để tìm thấy một quán ốc thể thưởng thức. Nhưng nếu có thể chế biến những món ốc ấy tại nhà để chiêu đãi người thân, bạn bè thì thật tuyệt vời

Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn cách làm món ốc mỡ xào me



Nguyên liệu:

- 1kg ốc mỡ

- 1 vắt me

- 1 chút bột năng

- Hạt nêm, đường, muối, tỏi

Cách làm:

- Ốc mỡ ngâm nước vo gạo hoặc nước muối pha loãng trong 30 phút

- Tỏi bóc vỏ bằm nhuyễn.

- Rửa sạch ốc, cho vào nồi luộc với chút nước , khi sôi nước, để trong 5 phút.

- Bắc chảo dầu nóng, xào tỏi cho thơm, cho me dằm lấy nước cốt vào, nêm muối, đường vừa ăn, nếu nước me hơi loãng có thể hòa thêm nước bột năng, nêm lại , rồi cho ốc vào xào nhanh tay, tắt bếp. Xúc ra đĩa, dùng nóng.

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Món cuốn từ Nam ra Bắc đậm đà hương vị Việt

Các món cuốn với những tên gọi khác nhau, nguyên liệu khác nhau, cách chế biến khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là: đơn giản, dễ ăn, lạ miệng và cực hấp dẫn. Người ăn tìm đến những món cuốn không chỉ muốn tìm đến những món ăn ngon mà còn muốn tìm cho mình những khám phá thú vị của sự kết hợp giữa các hương vị.

Người miền Bắc nhắc đến món cuốn thì không thể nào bỏ qua món phở cuốn với thịt bò xào, rau thơm, bánh phở… tất cả đã tạo nên một món ăn hấp dẫn không thể cưỡng nổi. Du khách khi đã đến Hanoi thì sẽ phải tìm thử những món như: nem rán, nem cuốn bún, nem cuốn tai… Chỉ chuẩn bị chút bánh đa nem, cùng những nguyên liệu đơn giản, cho dù bạn không phải là một bà nội trợ giỏi cũng có thể tạo nên những món nem cuốn của riêng mình.

Món nem rán dường như đã rất quen thuộc với người dân Hà Thành, những nguyên liệu được trộn đều với nhau rồi gói trong bánh đa nem và đem chiên giòn, khi ăn được chấm với nước mắm chua ngọt càng làm cho món nem thêm phần hấp dẫn.

Còn với nem tai, người ăn lại thích thú với cái giòn giòn, sần sật của tai được trộn thính. Khi cuốn nem tai, họ thường sử dụng thêm lá sung và lá đinh lăng, tùy sở thích cũng có nhiều người cuốn thêm nem chua hay giò nữa. Món nem tai cuốn này vốn là đặc sản của Nam Định, nhưng ngày nay đã phổ biến khắp nơi.

Bên cạnh đó, món gỏi cuốn cũng là một món ăn không thể bỏ qua khi đề cập tới những món cuốn. Với thịt ba chỉ, giò, trứng, rau thơm, rau xà lách, bún đã làm nên món gỏi cuốn ngon tuyệt. Món này sẽ rất ngon nếu được chấm cùng với mắm tôm chua của Huế.

Ẩm thực Việt Nam đa dạng không chỉ bởi nền văn hóa đa màu sắc mà còn bởi người Việt Nam vô cùng sáng tạo. Món nem rán được nói ở trên đôi khi lại chỉ là một nguyên liệu nhỏ cho một món ăn khác như món rau cải cuốn nem mà người miền Trung và người miền Nam gọi là rau cải cuốn ram. Với món này, người ăn thường rán chín nem sau đó đem cắt đôi rồi cuốn bên trong lá rau cải đã được rửa sạch rồi chấm với nước mắm chua ngọt. Người ăn sẽ không còn cảm thấy vị đắng của rau cải mà chỉ thấy vị bùi bùi của những lá rau cuộn đều trong những miếng nem rán giòn, cảm giác lạ miệng và vô cùng độc đáo.

Khi vào đến đất Saigon Vietnam, bạn sẽ có cơ hội bắt gặp không ít các món cuốn mà nhiều người đã ví von nó như sự thể hiện nét tính cách đặc trưng của người phương Nam, đó là: tính tình cởi mở, hòa đồng. Đó hình ảnh những người đạp xe rao bán bò bía, ngọt có, mặn có hay chỉ một phần tư cái bánh tráng mỏng, xếp lên lá rau diếp vài lá húng quế, húng tây, một gắp củ sắn xào, vài con tép riu xào đỏ thắm, một miếng lạp xưởng cuốn lại đã tạo nên một món ăn vừa ngon vừa giản dị, rồi đem chấm với tương ngọt điểm chút cay cay của tương ớt thì ngon bá cháy. Rồi thì bò nướng cuốn bánh hỏi, thịt quay cuốn bánh hỏi chấm nước mắm chua ngọt, cá hấp, cá nướng cuốn bánh tráng chấm với nước mắm me cũng đều được ưa chuộng ở khắp miền Nam.

Bánh xèo vốn là món bánh được yêu thích từ Nam ra Bắc để ăn ngon cũng phải cuốn với một lá bánh đa nem bên ngoài, bên trong kèm một lá cải cay, một ít rau thơm đủ loại, chấm nước mắm chua ngọt pha thật sánh, nhờ thế mà khi ăn thực khách không hề thấy bị ngấy mà còn thấy miếng bánh tan dần trong miệng ngon vô cùng.

Còn ở Huế, món nem lụi dẫn đầu trong hàng loạt những món cuốn ở nơi đây. Vốn được chế biến từ thịt nạc heo quết nhuyễn rồi trộn với bì, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính, nem lụi khi nướng lên thường dậy mùi thơm hơn hẳn. Những chiếc nem nóng hổi, thơm ngon dậy mùi, cuốn cùng bánh tráng, rau sống, đồ ghém chua chua chấm với thứ nước lèo bùi bùi, đầm đậm, tất cả tạo nên hương vị thật khó quên cho thực khách.

Gần giống như nem chua, lại vừa giống với nem lụi, món nem nướng Nha Trang có nguồn gốc từ Ninh Hòa đang dần dần chiếm cảm tình trong lòng thực khách, với vị ngọt đậm, sau khi nướng lên ăn cùng với bánh tráng, đồ ghém, rau sống và bún thì ngon tuyệt. Điểm đặc trưng của món ăn này là người ăn có thể gói cùng với xoài xanh thái sợi, bánh tráng chiên khiến món ăn trở nên giòn và rất lạ miệng.

Để kể hết các món cuốn ở Việt Nam có lẽ sẽ mất vài ngày nhưng danh sách hôm nay sẽ tạm dừng lại ở Đà Nẵng với đặc sản bánh tráng cuốn thịt heo của nơi đây. Cũng với những nguyên liệu quen thuộc như là thịt ba chỉ luộc, thái mỏng, ăn kèm với các loại rau sống và đồ ghém như xà lách, thơm, cà tím, dưa chuột, xoài xanh... rồi cuốn cùng tấm bánh tráng ướt và bánh tráng khô cộng thêm cả mắm nêm thơm, cay, đậm đà rất đặc trưng của hương vị xứ Quảng, mà không phải nơi đâu cũng pha chế được.

Cứ như vậy, cho dù món ăn có giản đơn, dung dị, món cuốn vẫn thu hút, vẫn độc đáo và ngon đến lạ thường. Hình ảnh gia đình quây quần bên nhau cùng chuẩn bị những nguyên liệu đơn giản, cùng nhau gói, cùng nhau thưởng thức, cùng “lai rai” những câu chuyện nhỏ mới đầm ấm, hạnh phúc làm sao!

Bát Mì Quảng

Từ đất Quảng, món mì Quảng giành được khẩu vị của tất cả các tỉnh miền Trung và tiến vào Saigon với vị trí đặc sản. Mì Quảng là món ăn dân dã mộc mạc của người dân xứ Quảng xưa.


Mì Quảng - Hoi An có nhiều loại, mì làm bằng gạo lức có màu nâu đỏ, mì pha bột nghệ có màu vàng, còn làm bằng bột gạo thường thì có màu trắng như bánh phở. Nước lèo phải được nấu nhiều xương cho ngọt, thêm tí dầu hạt điều để nước dùng có màu tươi. Mì Quảng ăn khô, nước mì sền sệt với thịt lợn xắt vụn, với tôm khô giã nhuyễn nấu nhừ. Sợi mì vàng nghệ chỉ thấm ướt nước lèo chứ không chan nhiều như phở Hanoi hay bún bò Huế.

Bát mì Quảng gồm có vài miếng thịt lợn, bò, gà hoặc tôm cá, nhúm hành hoa, nhúm lạc rang, có thể thêm nửa quả trứng vịt luộc và không thể thiếu miếng bánh đa vừng giòn tan. Ăn mì Quảng phải ăn nhiều rau mới ngon. Rau sống dùng kèm đúng kiểu phải có tới chín loại, từ cây cải non đương nụ, cọng giá trắng tinh, rau muống non xanh chẻ nhỏ, lá hành chọn nơi gần củ có màu đậm, xà lách chọn lá xanh, rau quế, rau răm xanh mướt… cho đến ngổ ta xắt dài để ngọn, tất cả trộn đều với bắp chuối chát xắt mỏng. Thứ nước lèo sền sệt thấm đẫm sợi mì vàng mịn óng ả, béo mà ngọt lịm giọng, vị cay xè của ớt, vị lạc rang trên lửa than thơm phức, bùi bùi, mằn mặn, miếng bánh tráng vừng thơm lựng, giòn tan quyện với rau sống mát lạnh thật thú vị.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Chế biến món thịt đông, Hanoi Vietnam

Trong những ngày mùa đông rét buốt, món thịt đông một trong những món ăn không thể thiếu của người miền Bắc nói chung và người Hanoi Vietnam nói riêng.


Công đoạn chế biến món ăn ngon này cũng tương đối phức tạp, cầu kỳ. Nguyên liệu gồm thịt giò heo trước, thịt nạc gà (ức gà), hồ tiêu, rau câu bột, nước mắm, tiêu, muối, hạt nêm, mộc nhĩ. Và không thể thiếu được là da heo. Da heo có ảnh hưởng đến mức độ dai của sương đông. Tùy theo khẩu vị mà cho lượng da heo vào thịt.

Giò heo và da heo cạo sạch, để ráo. Thịt nạc gà rửa sạch, để ráo. Cho nước nấu sôi, sau đó cho giò heo, da deo, thịt nạc gà vào hầm lửa liu riu, dùng thìa vớt sạch bọt nổi trên bề mặt nồi để sương đông của thịt trong và thơm hơn. Khi thịt chín mềm thì vớt ra để ráo, giữ lại nước luộc để làm nước dùng.


Thịt giò heo và da heo để nguội rồi đem xắt hột lựu, thịt gà cũng có thể xắt hột lựu hoặc xé sợi. Lược nước dùng qua rây để lấy nước trong. Cho rau câu bột vào nước dùng nấu cho tan, nêm gia vị, muối, hạt nêm, tiêu, nước mắm cho hợp khẩu vị. Mộc nhĩ thái nhỏ, xào chín với gia vị, hồ tiêu cho đậm đà.

Đổ một lớp nước rau câu vào khuôn mỏng, xếp xen kẽ vác loại thịt lợn, gà, da, mộc nhĩ cho tới khi đầy khuôn. Sau đó để thit nguội và cho vào tủ lạnh. Tùy theo sơ thích có thể cho thêm cà rốt, đậu Hà Lan vào lẫn để thịt đông có màu sắc bắt mắt.

Khi ăn sẽ úp ngược khuôn vào đĩa, lớp rau câu phía dưới khuôn sẽ trở thành bề mặt. Thịt đông dùng lạnh sẽ ngon hơn. Thịt đông có thể ăn chung với dưa muối chua. Thịt đông có màu hơi hồng, miếng thịt mềm, béo, có mùi thơm đặc trưng của thịt, hồ tiêu, mọc nhĩ giòn sừn sựt, thêm vị man mát của rau câu (sương đông) sẽ đem đến cảm giác thú vị trong những ngày mùa đông lạnh giá.

Bên cạnh thịt lợn nấu đông, người ta có thể nấu các loại thịt khác như thịt ngan, thịt vịt, thịt gà… và các khâu chế biến cũng tương tự như thịt lợn.